Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Ta bắt gặp trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh một thế giới đấy bất ngờ và thi vị non trẻ với những suy ngẫm giản dị thôi nhưng gần gũi đến lạ. Câu chuyện của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh có chút này chút kia, để ai soi vào cũng thấy mình trong đó, kiểu như lá thư tình đầu đời của cu Thiều chẳng hạn... ngây ngô và khờ khạo.
Nhưng Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hình như không còn trong trẻo, thuần khiết trọn vẹn của một thế giới tuổi thơ nữa. Cuốn sách nhỏ nhắn vẫn hồn hậu, dí dỏm, ngọt ngào nhưng lại phảng phất nỗi buồn, về một người cha bệnh tật trốn nhà vì không muốn làm khổ vợ con, về một người cha khác giả làm vua bởi đứa con tâm thầm của ông luôn nghĩ mình là công chúa,... Những bài học về luân lý, về tình người trở đi trở lại trong day dứt và tiếc nuối.
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh lắng đọng nhẹ nhàng trong tâm tưởng để rồi ai đã lỡ đọc rồi mà muốn quên đi thì thật khó.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” truyện dài mới nhất của nhà văn vừa nhận giải văn chương ASEAN Nguyễn Nhật Ánh - đã được Nhà xuất bản Trẻ mua tác quyền và giới thiệu đến độc giả cả nước.
Cuốn sách viết về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê, bên cạnh đề tài tình yêu quen thuộc, lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật phản diện và đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm, cái ác. 81 chương ngắn là 81 câu chuyện nhỏ của những đứa trẻ xảy ra ở một ngôi làng: chuyện về con cóc Cậu trời, chuyện ma, chuyện công chúa và hoàng tử, bên cạnh chuyện đói ăn, cháy nhà, lụt lội,... “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hứa hẹn đem đến những điều thú vị với cả bạn đọc nhỏ tuổi và người lớn bằng giọng văn trong sáng, hồn nhiên, giản dị của trẻ con cùng nhiều tình tiết thú vị, bất ngờ và cảm động trong suốt hơn 300 trang sách. Cuốn sách, vì thế có sức ám ảnh, thu hút, hấp dẫn không thể bỏ qua.
Từ khóa: Dấn thân, Cộng đồng mê đọc sách, Tiếng chim hót trong bụi mận gai

Đàn ông suy nghĩ gì về yêu đương khi họ bước sang tuổi 25?

Điều đầu tiên có thể làm hoang mang cả hai giới, hay cả ba giới: đàn ông 25 tuổi yêu bằng trực giác, một kiểu yêu rất…phụ nữ. Có lẽ ít độ tuổi nào trong đời mà đàn ông lại yêu theo cách đầy nữ tính như vậy. Kết quả: chưa biết có người yêu hay không, nhưng thường đàn ông tuổi này nếu đã-đang-và-sẽ có người yêu thì thường sẽ sẵn lòng dành một khoản ngân quỹ kha khá để hậu đãi các “quân sư”: thường là các chị em phụ nữ bằng hay hơn tuổi. Và đến độ tuổi này, mỗi tên đàn ông đều ít nhiều muốn và tìm được cho mình một người chị, ruột thịt (sẽ thân hơn với chị ruột) hay thân thiết, để nhiều khi chỉ muốn được nói hết những “ấm ức” trong cuộc sống và tình cảm. Đàn ông 25 tuổi, trong tính cách có những điều lớn lên, có những điều không-chịu-lớn và có những điều mong được bé lại …
Đến đây nhiều người sẽ hỏi: yêu bằng trực giác là thế quái nào nhỉ? Nói thật là …chẳng biết, trực giác mà – mỗi người mỗi khác. Trực giác nôm na là sự hòa quyện của tò mò và từng trải, quen thuộc và lạ lẫm, tình cảm và lý trí, hiện tại và tương lai. Nên là, nếu có gã đàn ông 25 tuổi nào đến với nói với chị em rằng: “Anh thấy em rất lạ/rất đặc biệt/rất quen” – thì lạy Chúa, 90% là gã đang nói thật đấy, xin thề trên tất cả trinh tiết còn sót lại của đám trai ế tuổi 25 (và 25+, hợ hợ). Tuổi 25 là một tuổi suy nghĩ nhiều, quá nhiều – để nắm bắt thông tin, xử lý thông tin và đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất. Tuổi này không vô lo, bộc trực như đôi mươi, cũng chưa lão luyện từng trải như ba mươi, mà là not-a-boy-not-yet-a-man. Tuổi này không tin vào tình yêu sét đánh, nhưng cũng chưa tin vào sự tâm đầu ý hợp đến mức tri kỷ. Tuổi này không tiêu bố hùng hồn và gỏn gọn, kiểu: “Cưa gái dễ lắm. Tất cả các em gái đều thích thế này, thế kia … Tất cả phụ nữ đều là thế kia, thế nọ.” Đàn ông 25 tuổi, nghĩ về phụ nữ, nhìn chung là run – và hay vuốt râu (lại vuốt râu, nhỉ) trầm tư: “Phụ nữ, nói chung là khó, khó nhất là hiểu, khó thứ hai là chiều, nên là …” (đàn ông tuổi này bắt đầu thich thích cái cảm giác “ba chấm” hay nói nửa câu bỏ lửng, dù đôi khi nó vô duyên đếk biết chui vào đâu cho vừa …).
Tình yêu, đối với đàn ông 25 tuổi, là một nghĩa vụ mà họ vừa ngờ ngợ nhận ra rằng sẽ phải dành và “ngốn” rất nhiều thời gian, nguồn lực và công sức. Kiểu như, Việt Nam mình phát triển kinh tế và dân số bùng nổ, đùng phát giờ bị bảo là “chú làm phải có quy hoạch” ấy. Hoang mang lắm cơ, thật đấy chả đùa. “Quy hoạch” hiểu theo nhiều nghĩa – mà nghĩa đúng nhất là “chỉnh đốn đời cậu trai vừa lớn kha-khá ấy theo nhiều kiểu dọc ngang để vừa lòng hầu hết những người rất ít khi gặp”. Nào là tóc tai, quần áo nhá – “hai mươi mấy tuổi đầu mà ăn mặc thế kia à?” (câu này thường do các bà chị hay các bạn phụ nữ thốt ra), để lại trong lòng đàn ông một nỗi …chênh vênh vô đối, gãi đầu gãi tai – nghĩ: “Quái, trước giờ vẫn mặc thế có sao đâu, dạo này phát sinh nhiều vấn đề thế nhỉ?”. Nào là thời gian làm việc – “thằng kia, muốn đi tu hay yêu giai ah, làm gì làm nhiều thế - tiền để đâu cho hết. Bớt bớt làm lại để còn yêu đương” – lại càng hoang mang bậc hai – đến ớ người, nghĩ bụng: “Thời này người khôn của khó, target sếp giao mà không cày cho cặm cụi thì có mà sau này hiến thân cho sếp (nếu sếp chịu) để bù à …” Rồi than ôi là các thể loại “quy hoạch” = quy định + hoạch định. Với cái tính bất cần còn níu giữ của tuổi đôi mươi, đàn ông – nhiều khi, nói thật đếk quan tâm…
…cho đến khi đi gặp mấy thằng bạn, thấy thằng nào cũng có người yêu xúng xính. Xúng xính theo kiểu quấn quit, chăm sóc nhau lắm cơ – ngồi sát bên lại thỉnh thoảng quay sang nhìn nhau đắm đuối rồi rủ rỉ vài câu cười khúc khích, làm cái-thằng-lẻ-loi ấy cảm thấy bị tổn thương ghê gớm và muốn ra cầu nhảy béng cho xong. Thế lại tối về lại suy nghĩ: “thế là mình sai à? Mà sai chỗ quái nào nhỉ? Bố mẹ đẻ ra mấy chục năm vẫn sống thế này, sao phải thay đổi cơ chứ, mà vì ai – cũng còn chưa biết cả mặt mũi cơ mà.” Cái khổ nhất lúc này ứ phải thay đổi, vì đàn ông 25 tuổi chẳng sợ thay đổi (thật, thề đấy) mà là chả biết thay đổi vì ai. Các chị mà tấn công kiểu “thế chú mày phải nghĩ xem xung quanh có đối tượng nào chưa, tối về ngủ có nhớ ai không” – thì thật là “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”, chả lẽ bảo tối em về chỉ nhớ mẹ với nhớ khách hàng. Than ôi, tình yêu tuổi này – nhìn chung là u ám.
Nếu có một hình ảnh súc tích nào về tình yêu tuổi 25, thì đó là café. Café? Uh, café. Café là thế nào? Tuổi 25 là cái tuổi chán nước ngọt, thích bia, thử rượu nhưng yêu nhất là café. Đố tìm được thằng đàn ông 25 tuổi nào mà không thích uống café, đi café. Café thật ra mới “du nhập” vào cuộc sống của gã này khoảng chưa được mươi năm (theo “chuẩn” là lên đại học bắt đầu uống café – hay “biết đi café”, còn có các tầng lớp cấp tiến thì đi từ cấp 3 cơ). Café chưa có nhiều “kỷ niệm buồn vui” như …nước ngọt, chưa có nhiều vui vẻ như bia (đi uống bia lúc nào chả vui hơn uống café, đến là rôm rả), chưa “sành điệu” như rượu. Nhưng café là một thứ gì đó rất giản dị, gắn bó và trầm lắng. Ngồi một mình với ly café (đẹp nhất là café nóng), nhìn ra cửa số (đẹp nhất là trời mưa) là những lúc gã trai ấy cảm thấy yêu cái độc thân đến tự tại của mình nhất. Cuộc trò chuyện thú vị nhất của đàn ông 25 tuổi, là trò chuyện với bản thân mình.
Tình yêu của tuổi 25 cũng vậy – liên quan khá mật thiết đến café. Café không làm cho ai mất ngủ (nếu theo cách pha café bây giờ) nhưng mang lại cảm giác kho khó ngủ một tý, và khá nhiều hưng phấn để làm những công việc hàng ngày. Tuổi 25 không phải tuổi mất ngủ vì tình yêu, không mất ngủ theo cái si tình của đôi mươi, hay trằn trọc về sự đồng điệu của tuổi ba mươi. Tuổi 25, nói gọn, có thể mất nhiều thứ nhưng không bao giờ để …mất ngủ. Café thường có đá, thường pha với sữa – pha với sữa để tạo ra vị rất riêng của café sữa – có đá để vẫn đảm bảo “giải khát” cho khí trời nhiệt đới. Và café có nhiều loại, nhưng ngon nhất vẫn là trộn với nhau, theo một tỷ lệ nhất định – mà người uống không bao giờ biết (trong lúc này) và cũng chưa quan tâm. Đàn ông tuổi này uống café theo quán, chính xác là theo gu của quán: café phải khá ngon (chưa cần quá ngon), khuôn viên hài hòa và mang lại sự thoải mái.
Mang những đặc tính của café ấy vào tình yêu của tuổi 25 thì, đàn ông tuổi này thích những người phụ nữ tinh tế và sâu sắc, nhưng không quá nội tâm (như kiểu tỷ lệ café pha với sữa ấy). Đàn ông yêu sự chia sẻ và vui vẻ (như café đá) nhưng không phản đối sự giản dị và bình yên (lâu lâu cũng uống café nóng). Với đàn ông, phụ nữ là một khoảng trời cần khám phá – bên cạnh nhiều khoảng trời khác (như café là một không gian rất riêng, bên cạnh những không gian khác: gia đình, công sở, thể thao …). Có những thứ đàn ông tuổi này không bao giờ chia sẻ với phụ nữ (giống kiểu không bao giờ uống café xem MU đá ấy, xem đá bóng thì phải bia bọt tý chứ). Đàn ông tuổi này rụt rè đến ngạc nhiên, và rất biết lắng nghe phụ nữ - nhưng mù tịt trong “phân loại” phụ nữ và các cung bậc cảm xúc (như kiểu chẳng phân biệt được café chồn, café irebela gì ấy) – nên đừng chê trách là đàn ông tuổi này chưa biết “thưởng ngoạn” phụ nữ.
Đàn ông tuổi này, chưa kiên định với những gì mình muốn (vì chả biết đúng hay sai) nên thường khá nhạy cảm với phụ nữ, ý là rung động với nhiều chị em một lúc. Không phải vấn đề đạo đức gì đâu, mà chỉ là vấn đề môi trường. Đàn ông tuổi này, có những “vườn yêu” của mình – là những không gian, khoảnh khắc, câu truyện, phong cách có thể vật họ chết tươi chỉ trong chớp mắt. Điều cuối cùng, nếu bạn là phụ nữ, thì đây là thời điểm tốt nhất để bạn có thể hiểu và gắn bó thật sâu sắc với một người đàn ông. Quá sớm (tuổi đôi mươi) hay trễ hơn (tuổi ba mươi) thì có một mảnh đời của anh ấy, sẽ không bao giờ của bạn, sẽ không bao giờ bạn hiểu được, và sẽ không bao giờ bạn có quyền chạm vào.
Tóm lại, đàn ông tuổi này tò mò, dễ cưa, thật thà, cầu tiến, phong độ (đang lên, chưa thành đẳng cấp), nhút nhát và …thường ế. Ế không phải vì họ không tốt, mà ế vì họ quá bận rộn hay vì phụ nữ không yêu những tuổi lưng-lửng thế này.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai

Tiểu thuyết Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai (Tái Bản) xuất bản vào mùa xuân 1977 cùng một lúc ở New York, San Francisco, London, Sydney - Ít lâu sau đã được dịch ra bảy thứ tiếng, được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh và giới phê bình đánh giá cao. Suốt mấy năm là tác phẩm ăn khách nhất ở phương Tây. Đây là tác phẩm đặc sắc, có giá trị trong văn học thế giới hiện đại.
Colleen McCulough không phải là nhà văn chuyên nghiệp, trước đó hầu như không ai biết tiếng. Khi tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai đem lại vinh dự cho tác giả thì McCulough vẫn chỉ là một nhân viên y tế bình thường. Bà sinh ở Úc, bang New South Wales, trong gia đình công nhân xây dựng xuất thân từ Ireland. Thời thanh xuân McCulough ở Sydney, đã từng học trường của nhà thờ công giáo, từ bé – bà mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng không có điều kiện để qua đại học y. Bà đã thử làm một số nghề- làm báo, công tác thư viện, dạy học rồi trở lại nghề y, qua lớp đào tạo chuyên môn về sinh lý học thần kinh. Sau đó, bà đã làm việc bà đã làm việc tại các bệnh viện ở Sydney, London, Birmingham, rồi sang Mỹ, làm việc tại một trường y thuộc trường đại học Yale. Năm 1974 bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, không có tiếng vang gì. Tiếng chim hót trong bụi mận gai được thai nghén trong ngót bốn năm, rồi đầu mùa hè 1975, bà bắt tay vào viết liền một mạch trong mười tháng. Suốt thời gian ấy, bà vẫn bận túi bụi công việc ở bệnh viện, chỉ viết tác phẩm vào ban đêm và ngày chủ nhật.
Tác phẩm này có thể gọi là “Xaga về gia đình Cleary”. Xaga là hình thức văn xuôi cổ có tính anh hùng ca, kể chuyện một cách điềm đạm về những con người hùng dũng. Cuốn tiểu thuyết này viết về lịch sử nửa thế kỷ của ba thế hệ một gia đình lao động - gia đình Cleary. Loại tiểu thuyết lịch sử gia đình từ trước đã có những thành công như thiên sử thi vè dòng họ Foocxaitơ của Gônxuocthy, “Gia đình Tibô” của Rôgiê Mactanh duy Gar. “Gia đình Artamônôp” của M. Gorki. Đặc điểm chung của các tác phẩm đó là số phận gia đình tiêu biểu cho số phận của giaia cấp tư sản, các thế hệ sau đoạn tuyệt với truyền thống của gia đình. So sánh với những tác phẩm kể trên thì tác phẩm của McCulough có sự khác biệt, có cái độc đáo riêng của nó. Trước hết, đây là lịch sử của một gia đình lao động. Sự phát triển, tính kế thừa và đổi mới của ba thế hệ gia đình này là hình mẫu thu nhỏ của lịch sử dân tộc. Các thế hệ sau kế thừa những nét tốt đẹp nhất của gia đình - tính cần cù, tự chủ, tính kiên cường đón nhận những đòn ác liệt của số phận, lòng tự hào gia đình, song đồng thời có những đổi khác nhịp bước với thời đại. Nếu Fiona gan góc chịu đựng mọi tai họa nhưng cam chịu số phận thì con gái bà là Meggie đã tìm cách cướp lấy hạnh phúc của mình từ tay Chúa trời, và Jaxtina, con gái của Meggie là một cô gái hiện đại, có những chuẩn mực đạo đức hoàn toàn khác. Cuốn tiểu thuyết xây dựng như truyện sử biên gia đình, tác giả tập trung vào những xung đột tâm lý - đạo đức nhiều hơn là những vấn đề giai cấp - xã hội. Các nhân vật tuy vẫn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình nhiều hơn. Trong số nhiều nhân vật, nổi bật hơn cả là ba nhân vật - Fiona, Meggie - con gái bà và cha đạo Ralph de Bricassart. Meggie có thể coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiểu thuyết có nhiều tuyến tình tiết, nhiều môtíp, đề tài, song tất cả đều phục vụ câu chuyện chính: mối tình lớn lao trong sáng của Meggie và cha de Bricassart.
Trong tác phẩm quy mô lớn này, những xung đột tâm lý - tinh thần của nhân vật quyện chặt với sự miêu tả tỉ mỉ toàn cảnh lịch sử, địa lý, thiên nhiên. Thiên nhiên bao la, dữ dội nhưng có cái đẹp hoang sơ riêng của nó như hiện ra trước mắt bạn đọc. Giá trị nhận thức của tác phẩm do đó càng thêm đầy đủ. Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người ở đây mang tính chất chung sống hài hòa, thiên nhiên chưa bị uy hiếp đến nguy cơ hủy diệt.
Tính hiện thực và lãng mạn trong tác phẩm này hòa lẫn vào nhau tới mức nhuần nhị. Sự miêu tả tỉ mỉ bằng hình thức của bản thân đời sống, cả từ cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói của nhân vật, cho đến cách xén lông cừu, nếp sống hàng ngày..., lối kể chuyện thong thả theo trình tự thời gian khiến cho tác phẩm gần với loại tiểu thuyết hiện thực thế kỷ 19. Nhưng những tính cách phi thường rực rỡ biểu hiện trong những biến cố đột ngột, đầy hấp dẫn tạo nên màu sắc lãng mạn rất rõ nét. Môt tác phẩm văn học Mỹ thời nay xa lạ với những cảnh hung bạo, với “sex”, với “phản nhân vật” đưa bạn đọc trở về với những vấn đề “nhà” (theo nghĩa quê hương), “cội nguồn”, “cha và con” mà lại được ham chuộng như thế ở phương Tây thì đó chứng tỏ những vấn đề muôn thuở của nhân loại bao giờ cũng làm rung động lòng người ở bất cứ nơi nào trên hành tinh chúng ta.

Dấn thân: Bí quyết mang lại thành công cho phụ nữ

Cuốn "Lean in" tên tiếng Việt là "Dấn thân" nghiên cứu xem tại sao con đường phụ nữ hướng đến vị trí lãnh đạo bị chững lại, giải thích nguyên nhân gốc rễ, và đưa ra những giải pháp có tính thuyết phục giúp phụ nữ phát huy hết tiềm năng.

Thông tin:
Tên sách:  Lean In: Women, Work, and the Will to Lead (Tạm dịch: Dấn Thân: Phụ Nữ, Công Việc, Và Quyết Tâm Lãnh Đạo)
Tác giả: Sheryl Sandberg
Giới thiệu sách:
30 năm qua phụ nữ luôn chiếm 50% số sinh viên tốt nghiệp tại Mỹ. Nhưng trong chính phủ và nền công nghiệp, nam giới vẫn nắm giữ hầu hết các vị trí lãnh đạo. Điều này nghĩa là tiếng nói của phụ nữ vẫn ít có trọng lượng đối với những quyết định mang tầm vĩ mô.
Trong cuốn Lean in, Sherry Sandberg nghiên cứu xem tại sao con đường phụ nữ hướng đến vị trí lãnh đạo bị chững lại, giải thích nguyên nhân gốc rễ, và đưa ra những giải pháp có tính thuyết phục giúp phụ nữ phát huy hết tiềm năng.
Năm 2010, trên chương trình TEDTalk , Sheryl Sandberg đưa ra lý do khiến phụ nữ vô tình kìm hãm thành công của mình trong sự nghiệp. Bài phát biểu của bà đã trở thành một hiện tượng lớn khi chạm mốc hơn hai triệu người xem. Bà động viên nữ giới hãy tìm kiếm thử thách, chấp nhận mạo hiểm và theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Với Lean In, Sanberg đi sâu hơn vào đề tài này, tổng hợp các mẩu chuyện và nghiên cứu thuyết phục để xóa tan những mơ hồ cũng như thành kiến về cuộc sống và sự lựa chọn của những phụ nữ đi làm.
Bà kể lại những quyết định, sai lầm và sự đấu tranh của mình, từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt cho bản thân, sự nghiệp, gia đình. Tác giả cũng cung cấp những lời khuyên bổ ích về kỹ năng đàm phán, cố vấn, và xây dựng một sự nghiệp như ý.
Cũng qua cuốn sách, Sheryl Sandberg khuyến khích phụ nữ đặt ra các ranh giới và bỏ ngay quan điểm muốn “có tất cả mọi thứ”. Bà nêu những bước giúp phụ nữ kết hợp được thành công trong công việc với nguyện vọng cá nhân, chỉ ra lợi ích của nam giới khi hỗ trợ phụ nữ trong công việc và ở nhà.
Với văn phong vừa thông minh vừa hóm hỉnh, cuốn sách của tác giả Sanberg là một lời kêu gọi đầy cảm hứng để hành động, đồng thời là bản kế hoạch tuyệt vời cho sự phát triển cá nhân. Lean In thay đổi vấn đề từ “phụ nữ không thể làm gì” thành “phụ nữ có thể làm gì”.
Giới thiệu về tác giả:
Sheryl Sandberg là giám đốc tác nghiệp (COO) của Facebook. Trước đó, bà đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch hoạt động tại Google, phụ trách các chương trình AdWords và AdSense. Bà cũng từng giữ vai trò tham mưu trưởng cho Bộ Tài chính Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton và là nhà kinh tế học tại World Bank. Hiện nay bà sống tại miền Bắc California cùng với chồng và hai con.
Những năm gần đây, Sheryl Sandberg luôn nằm trong danh sách 50 người phụ nữ quyền lực nhất giới kinh doanh của Fortune và được tạp chí Time đánh giá là một trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới.Lean In: Women, Work, and the Will to Lead là tác phẩm đầu tay của bà, xuất bản vào tháng 3/2013. Đến mùa thu năm ngoái, cuốn sách đã bán được hơn một triệu bản và nằm trong top những cuốn sách bán chạy nhất.

Đắc nhân tâm - Dale Carnegie

Đắc nhân tâm – How to win friends and Influence People của Dale Carnegie là quyển sách nổi tiếng nhất, bán chạy nhất và có tầm ảnh hưởng nhất của mọi thời đại.
Đắc nhân tâm đã được chuyển ngữ sang hầu hết các thứ tiếng trên thế giới và có mặt ở hàng trăm quốc gia. Đây là quyển sách duy nhất về thể loại self-help liên tục đứng đầu danh mục sách bán chạy nhất (best-selling Books) do báo The New York Times bình chọn suốt 10 năm liền. Riêng bản tiếng Anh của sách đã bán được hơn 15 triệu bản trên thế giới. Tác phẩm có sức lan toả vô cùng rộng lớn – dù bạn đi đến bất cứ đâu, bất kỳ quốc gia nào cũng đều có thể nhìn thấy. Tác phẩm được đánh giá là quyển sách đầu tiên và hay nhất, có ảnh hưởng làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới.Đắc Nhân Tâm – Được lòng người, là cuốn sách đưa ra các lời khuyên về cách thức cư xử, ứng xử và giao tiếp với mọi người để đạt được thành công trong cuộc sống. Gần 80 năm kể từ khi ra đời, Đắc Nhân Tâm là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ luôn muốn hoàn thiện chính mình để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp và thành công.
How to win friends & Influence People cụ thể và chi tiết với những chỉ dẫn để dẫn đạo người, để gây thiện cảm và dẫn dắt người khác,… những hướng dẫn ấy, qua thời gian, có thể không còn thích hợp trong cuộc sống hiện đại nhưng nếu người đọc có thể cảm và hiểu được những thông điệp tác giả muốn truyền đạt thì việc áp dụng nó vào cuộc sống trở nên dễ dàng và hiệu quả.

Đắc Nhân Tâm, từ một cuốn sách, hôm nay đã trở thành một danh từ để chỉ một lối sống mà ở đó con người ta cư xử linh hoạt và thấu tình đạt lý. Lý thuyết muôn thuở vẫn là những quy tắc chết, nhưng Nhân Tâm là sống, là biến đổi. Bạn hãy thử đọc “Đắc Nhân tâm” và tự mình chiêm nghiệm những cái đang diễn ra trong đời thực hiện hữu, chắc chắn bạn sẽ có những bài học cho riêng mình.
“Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie là quyển sách nổi tiếng nhất, bán chạy nhất và có tầm ảnh hưởng nhất của mọi thời đại…
Sách đã được chuyển ngữ sang hầu hết các thứ tiếng trên thế giới và có mặt ở hàng trăm quốc gia. Đây là cuốn sách liên tục đứng đầu danh mục sách bán chạy nhất do thời báo NewYork Times bình chọn suốt 10 năm liền.
Đắc Nhân Tâm là nghệ thuật thu phục lòng người, là làm cho tất cả mọi người yêu mến mình. “Đắc nhân tâm” và cái Tài trong mỗi người chúng ta. “Đắc Nhân Tâm” trong ý nghĩa đó cần được thụ đắc bằng sự hiểu rõ bản thân, thành thật với chính mình, hiểu biết và quan tâm đến những người xung quanh để nhìn ra và khơi gợi những tiềm năng ẩn khuất nơi họ, giúp họ phát triển lên một tầm cao mới. Đây chính là nghệ thuật cao nhất về con người và chính là ý nghĩa sâu sắc nhất đúc kết từ những nguyên tắc vàng của Dale Carnegie.
Tác phẩm có sức lan toả vô cùng rộng lớn – dù bạn đi đến bất cứ đâu, bất kỳ quốc gia nào cũng đều có thể nhìn thấy. Tác phẩm được đánh giá là cuốn sách đầu tiên và hay nhất trong thể loại này, có ảnh hưởng thay đổi cuộc đời đối với hàng triệu người trên thế giới.
Mục lục:
Lời nhà xuất bản
Tựa
Phần thứ 1: Những thuật căn bản để dẫn đạo người
Chương 1: Muốn lấy mật đừng phá tổ o­ng
Chương 2: Một bí quyết quan trọng trong phép xử thế
Chương 3: Hãy khêu gợi ở người cái ý muốn làm công việc mà chính ta đề nghị với họ
Chương 4: Tám lời khuyên để giúp các bạn đọc sách này được nhiều lợi ích nhất
Phần thứ 2: Sáu cách gây thiện cảm
Chương 1: Để cho tới đâu cũng được đón tiếp
Chương 2: Một cách dễ dàng để gây mỹ cảm lúc sơ kiến
Chương 3: Không theo qui tắc sau này tức là tự rước lấy thất bại
Chương 4: Bạn muốn thành một người nói chuyện có duyên không? Dễ lắm
Chương 5: Làm sao gây được thiện cảm?
Chương 6: Làm sao cho người ta ưa mình liền?
Phần thứ 3: Mười hai cách dẫn dụ người khác cho họ nghĩ như
mình
Chương 1: Trong một cuộc tranh biện không có người thắng kẻ bại
Chương 2: Một cách chắc chắn để gây thù oán. Tránh nó cách nào?
Chương 3: Quá tắc qui cung
Chương 4: Do trái tim sẽ thắng được lý trí
Chương 5: Bí quyết của Socrate
Chương 6: Xả hơi
Chương 7: Thiện bất chuyên mỹ
Chương 8: Qui tắc này sẽ giúp bạn làm được những việc dị thường
Chương 9: Loài người muốn gì?
Chương 10: Gợi những tình cảm cao thượng
Chương 11: Kích thích thị giác và óc tưởng tượng của người
Chương 12: Khi mọi cách đều vô hiệu, bạn hãy thử cách này xem sao
Phần thứ 4: Chín cách sửa tính người mà không làm cho họ giận dữ, phật ý
Chương 1: Nếu bạn bắt buộc phải chỉ trích thì xin bạn bắt đầu như sau này.
Chương 2: Chỉ trích cách nào khỏi gây thù oán
Chương 3: Hãy tự cáo lỗi trước đã
Chương 4: Đừng ra lệnh
Chương 5: Giữ thể diện cho người
Chương 6: Khích lệ người ta cách nào?
Chương 7: Vị tri kỷ giả dụng
Chương 8: Nên khuyến khích người
Chương 9: Làm sao cho người ta vui thích làm công việc bạn nhờ cậy
Phần thứ 5: Những bức thư mầu nhiệm
Chương độc nhất
Phần thứ 6: Bảy lời khuyên để tăng hạnh phúc trong gia đình
Chương 1: Chôn sống hạnh phúc gia đình cách nào lẹ nhất?
Chương 2: Tuỳ ngộ nhi an
Chương 3: Thương nhau chín bỏ làm mười
Chương 4: Làm cho người ở chung quanh mình được sung sướng là điều dễ dàng
Chương 5: Cái gì làm cảm động một người đàn bà?
Chương 6: Phu phụ tương kính như tân
Chương 7: Những kẻ thất học trong hôn nhân
Phần thứ 7: Vài câu hỏi